1. Trang Chủ
  2. Tin Công Nghệ
  3. Đánh giá CPU AMD Ryzen 5 6600U

Đánh giá CPU AMD Ryzen 5 6600U

AMD Ryzen 5 6600U là một con chip tuyệt vời dành cho laptop văn phòng với hiệu suất vượt trội, tiêu thụ ít năng lượng, hiệu suất đồ họa mạnh mẽ thế nhưng bạn sẽ không muốn sử dụng con chip này với 8GB RAM đâu. Lý do tại sao, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.

 

Thông số kỹ thuật AMD Ryzen 5 6600U

  • Core/Thread: 6 nhân 12 luồng
  • Xung cơ bản: 2.9GHz
  • Xung Boost tối đa: 4.5GHz
  • L3 Cache: 16MB
  • TDP: 15-28W
  • Kiến trúc: Zen 3+
  • Tiến trình sản xuất: TSMC 6nm FinFET
  • PCI Express Version: PCIe 4.0
  • Loại RAM hỗ trợ: DDR5
  • Memory Channels: 4
  • GPU: AMD Radeon 660M
  • Graphics Shaders: 384
  • Xung nhịp GPU: 1900 MHz

 

Như vậy, AMD Ryzen 5 6600U chỉ hỗ trợ cho RAM DDR5, đây vừa là ưu điểm, cũng vừa là nhược điểm tại thời điểm hiện tại. Ưu điểm của DDR5 thì tất nhiên là băng thông lớn, đã vậy mỗi thanh DDR5 còn hỗ trợ sẵn dual channel, đó cũng là lý do giúp cho 6600U hỗ trợ tới 4 channel RAM. Nếu bạn chưa biết thì hầu hết CPU cho người dùng phổ thông cho laptop lẫn máy bàn trước giờ chỉ hỗ trợ Dual Channel thôi.

 

Còn nhược điểm thì đó là RAM DDR5 chưa phổ biến, giá thành cao, vì vậy nhiều nhà sản xuất cũng chọn phương án hàn chết RAM luôn chứ không chừa lại khe nâng cấp.

 

Về đồ họa tích hợp, AMD Ryzen 5 6600U được trang bị GPU AMD Radeon 660M với 6 nhân hay 384 Shaders. Để so sánh thì đồ họa tích hợp trên Intel Core i5-1135 G7 là 640 Shaders, trên i7-1165G7 là 768 Shaders. Tuy nhiên Intel giới hạn mức xung của đồ họa tích hợp ở 1.3GHz trong khi đó AMD lại đăng mức xung GPU tới 1.9GHz. Hiệu suất mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần dưới.

 

Cấu hình thử nghiệm hiệu năng

  • RAM: 8GB DDR5 6400MHz
  • Lưu trữ: SSD Micron 512GB NVMe PCIe 4.0
  • Thiết bị thử nghiệm: ASUS Zenbook S 13 OLED
  • Adapter 65W Type-C
  • Hệ điều hành: Windows 11 Home SL
  • Máy đã được cập nhật hệ điều hành, driver cũng như cài đặt AMD Chipset và Radeon Software để đảm bảo hiệu suất ổn định nhất

 

 

Hiệu năng Ryzen 5 6600U đo bằng công cụ benchmark

Để đo hiệu suất CPU cũng như GPU tích hợp, mình sử dụng một số phần mềm quen thuộc như Geekbench 5, Cinebench R23, 3DMark. Cũng cần nói trước, mình tin chắc nến có 16GB RAM thì điểm hiệu năng của máy còn cao hơn nữa vì 8GB hiện tại là mức dung lượng khá thấp. Mặc định GPU cũng đã sử dụng 700MB, tức chỉ còn 7.3GB RAM cho CPU, mở máy lên cài đủ phần mềm và driver là đã mất 4GB. Tức RAM trống còn không nhiều.

 

Geekbench 5

Với Geekbench 5, số điểm đơn nhân ghi được khá cao 1441, tức gần bằng số điểm đơn nhân của CPU Intel Gen11. Còn với hiệu suất đa luồng, Ryzen 6600U ghi được tới gần 6400 điểm. Để so sánh thì Ryzen 5 5600U chỉ ghi được hơn 1100 điểm đơn nhân và khoảng 5400 điểm đa nhân. Intel Core i7-1165G7 (28W) có hiệu năng đơn nhân lên tới 1500 – 1600 điểm, tuy nhiên vì chỉ có 4 nhân nên hiệu năng đa nhân cũng chỉ khoảng 5000 điểm.

 

AMD Ryzen 5 6600U Geekbench 5

 

Với thử nghiệm OpenCL trên Geekbench 5, một công cụ đo hiệu suất đồ họa thì Ryzen 6 6600U ghi được hơn 17,000 điểm, tương đương với đồ họa tích hợp trên i7-1165G7 dù có số lượng nhân chỉ bằng một nửa. So với thế hệ trước thì Ryzen 5 5600U chỉ ghi được khoảng 13,000 điểm.

 

AMD Ryzen 5 6600U Geekbench 5 OpenCL

 

Cinebench R23

Trong thử nghiệm Cinebench R23, để công bằng với AMD thì mình đã kê cao laptop và sử dụng thêm một chiếc quạt mini hỗ trợ làm mát (vì chiếc laptop được thử nghiệm quá nóng, hiệu suất bị giảm đáng kể – điều đó không phản ánh được hiệu suất của con chip). Số điểm đơn nhân mà Ryzen 5 6600U ghi được là 1,419 còn đa nhân là 8,112.

 

AMD Ryzen 5 6600U Cinebench R23

 

Và một lần nữa thì số đơn nhân cũng chưa thể vượt qua Core i7-1165G7 (28W) nhưng hiệu suất đa luồng thì đã vượt khá xa khi mà con chip 4 nhân của Intel chỉ được khoảng 5,500 – 6,000 điểm.

 

So với thế hệ trước, Ryzen 5 5600U ghi được khoảng 1,350 điểm đơn nhân và 6,500 điểm đa nhân, tức cải thiện tới khoảng 25% hiệu suất đa luồng.

 

3DMark

Trong thử nghiệm 3DMark Time Spy, 6600U đạt khoảng 1,500 điểm đồ họa và hơn 5,400 điểm CPU, điểm trung bình đạt khoảng gần 1,700. Để so sánh thì 5600U chưa được 1,000 điểm đồ họa và điểm CPU chỉ khoảng 4,600 điểm.

 

AMD Ryzen 5 6600U 3DMark

Tỏa nhiệt và mức tiêu thụ

 

Cũng cần nói thêm, lượng điện tiêu thụ của GPU là không hề nhỏ. Ghi nhận trên HwInfo64, CPU có thể ăn tới 30W điện và ổn định ở khoảng 15 – 20W khi full tải. Đặc biệt GPU peak tới 65W (không biết có gì nhầm lẫn ở đây không), trung bình ở mức 20 – 25W khi full tải. Tuy nhiên hiếm khi CPU và GPU full tải cùng nhau nên về cơ bản là bộ nguồn 65W đủ sức đáp ứng.

 

 

Với lượng điện tiêu thụ lớn như vậy, con chip này cũng tỏa khá nhiều nhiệt trong những tác vụ đồ họa. Và thực tế thì chiếc laptop ASUS Zenbook S 13 OLED mỏng nhẹ dưới 1kg không thể đáp ứng được nhu cầu tản nhiệt cho Ryen 5 6600U. Và mình có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu có một hệ thống tản nhiệt tốt hơn thì hiệu năng của con chip này còn “bung xõa” tốt hơn rất nhiều nữa, điểm hiệu suất đa luồng thậm chí có thể cải thiện thêm 20% nữa so với kết quả ở trên.

 

Làm việc thực tế trên Ryzen 5 6600U

Trong sử dụng thực tế, chưa khi nào mình ép cho CPU Full load, dù là xuất hình trên Lightroom, render video trên Premiere vì chưa kịp Full load CPU thì RAM đã 100% rồi. Nếu muốn tận dụng sức mạnh đa nhân đa luồng để chỉnh edit video, chỉnh sửa hình ảnh bằng Lightroom cũng như nhiều tác vụ khác thì 16GB RAM là dung lượng tối thiểu.

 

Ryzen 5 6600U

 

Đây chính là lý do mà mình nói rằng không nên chọn một chiếc laptop Ryzen 5 6600U mà chỉ có 8GB RAM. Vì thực tế khi trải nghiệm qua nhiều mẫu laptop thì dù Core i5, Core i7 4 nhân, Ryzen 5 6 nhân hay Ryzen 7 8 nhân đi nữa mà RAM chỉ có 8GB thì gần như không cảm nhận được nhiều khác biệt về hiệu suất.

 

Lưu ý là mình không có ý muốn nói 8GB không đủ cho nhu cầu văn phòng, chỉ là 8GB thì không thể khai thác được hết hiệu suất của Ryzen 5 6600U.

 

Ryzen 5 6600U

 

Về trải nghiệm làm việc, các phần mềm văn phòng thì không cần phải nhắc tới nữa. Với Photoshop, Lightroom, Premiere thì nhờ hiệu suất đơn nhân lẫn đa nhân đều rất mạnh nên quá trình chỉnh sửa, làm việc khá mượt mà cho những tác vụ vừa phải. Đặc biệt trên Lightroom, khi mình thử xóa vật thể, chấm mụn với file hình RAW dung lượng 50MB thì tốc độ xử lý cũng rất nhanh, nếu bạn nào từng làm việc này thì cũng có thể đã biết việc xóa vật thể bằng Lightroom nặng hơn nhiều khi xử lý bằng Photoshop.

 

Tuy nhiên khi mình thử render video thì khá đáng tiếc, hiệu suất của GPU tích hợp khá mạnh mẽ và hỗ trợ rất tốt cho quá trình render nhưng lại không đủ RAM, lại một lần nữa 8GB RAM không tận dụng được sức mạnh của con chip này.

 

Tổng kết

AMD Ryzen 5 6600U là một con chip mạnh, mạnh cả về CPU lẫn GPU. Công suất tiêu thụ của CPU thực sự ấn tượng, thậm chí còn thấp hơn so với Intel Core i5-1135G7 vưới 4 nhân, tuy nhiên GPU tích hợp mới với xung nhịp khá cao ngốn điện kha khá. Kết quả là khi chạy phần mềm đồ họa thì cả CPU lẫn GPU tỏa khá nhiều nhiệt. Bạn nên chọn một chiếc laptop có hệ thống tản nhiệt tốt để có trải nghiệm tốt.

 

Bên cạnh đó, hiệu suất đa luồng của con chip này rất mạnh, mạnh hơn cả i7-9750H hay i7-10750H. GPU tích hợp cũng cần nhiều RAM hơn để hoạt động hiệu quả nên bạn cần ít nhất 16GB RAM để khai thác sức mạnh của AMD Ryzen 5 6600U.

 

 

Nguồn: cellphones.com.vn

Đăng Ký Nhận Bản Tin

Đăng ký ngay để được cập nhật các chương trình khuyến mãi.