2 years ago
Bạn có thể khắc tên lên chiếc laptop RISC-V này luôn nhé.
Theo trang Phoronix, chiếc laptop đầu tiên trên thế giới chạy bằng tập lệnh RISC-V đã cho đặt hàng trước, và nó có tên là ROMA. Hai hãng DeepComputing và Xcalibyte sẽ sản xuất ROMA tại Trung Quốc. Chiếc laptop này được trang bị vi xử lý RISC-V 4 nhân, RAM LPDDR4/LPDDR4X với dung lượng lên đến 16GB, ổ lưu trữ với dung lượng lên đến 256GB, hỗ trợ RISC-V và hầu hết hệ điều hành Linux.
ROMA là một cột mốc quan trọng trong cộng đồng RISC-V. Kiến trúc này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi cho lắm trong cộng đồng người dùng phổ thông, chỉ mới được dùng nhiều trong mảng máy chủ mà thôi. Khác với những chiếc laptop thông thường, mẫu RISC-V này được tối ưu cho các nhà phát triển sử dụng tập lệnh RISC-V để tạo ra phần mềm, chứ nó không được thiết kế như những chiếc laptop truyền thống.
Theo thông cáo báo chí của DeepComputing, chiếc laptop sẽ sử dụng SoM 12nm/28nm đầu tiên trên thế giới. Con chip này sẽ có 4 nhân, 1 GPU và NPU cho 3D/2D và AI. Chỉ có 100 chiếc laptop ROMA được bán ra mà thôi; mỗi chiếc sẽ đi kèm với 1 NFT độc nhất, và bạn có thể yêu cầu khắc tên mình hoặc tên công ty lên chiếc laptop nếu muốn.
RISC-V là một tập lệnh khá là cũ so với chuẩn ngày nay, nhưng gần đây thì nó bắt đầu được sử dụng nhiều trong ngành máy tính. Cơ bản thì RISC-V có nhiều lợi thế so với những tập lệnh phổ biến khác như x86, AMD64, ARM. Trong đó, nổi bật nhất là bản quyền mã nguồn mở nên ai ai cũng đều có thể dùng kiến trúc này, còn như x86 hay ARM thì phải xin giấy phép và phải trả tiền phí thì mới được sử dụng.
Về mặt hiệu năng, khác biệt rõ rệt nhất giữa RISC-V và x86 hay AMD64 là nó sử dụng kiến trúc RISC đơn giản hơn so với CISC. RISC (Reduced Instruction Set Computer) hoạt động theo kiểu sử dụng các lệnh đơn giản có thể hoàn thành trong 1 chu kỳ xung nhịp (clock cycle). Nhược điểm của cách này là nó sẽ cần nhiều dòng mã (code) hơn để hoàn thành 1 tác vụ nào đó, nhưng ưu điểm là tăng thời lượng pin và hiệu suất sử dụng năng lượng. Nôm na thì chip ARM cũng sử dụng RISC để cải thiện thời lượng pin trên các thiết bị di động, chỉ có điều là cách ứng dụng của nó khác biệt khá là nhiều.
Ngược lại với RISC, chúng ta có CISC (Complex Instruction Set Computer). Thay vì hoàn thành các lệnh trong 1 chu kỳ xung nhịp duy nhất, mục tiêu của nó là hoàn thành các tác vụ với càng ít dòng mã càng tốt. Thường thì điều này có nghĩa là các lệnh sẽ cần nhiều chu kỳ xung nhịp để hoàn tất. Phương pháp này sẽ ngốn điện nhiều hơn, nhưng bù lại thì nó có lợi cho nhà phát triển hơn do CISC cần ít dòng mã hơn.
RISC-V vẫn có đủ khả năng để ứng dụng vào mảng người dùng phổ thông, nhưng các tập lệnh khác có nhiều ưu thế hơn nên RISC-V bị “trôi dạt” qua mảng doanh nghiệp. Hầu như tất cả các chip dùng RISC-V đều dành cho HPC, AI, hoặc các tác vụ tính toán nặng nề khác. Hi vọng là với laptop ROMA, RISC-V sẽ được nhiều người biết đến hơn và được ứng dụng rộng rãi hơn.
Nguồn: tom’s HARDWARE