2 years ago
USB ngày nay cũng nhanh đó, nhưng hiếm khi nào nhanh như tốc độ ghi trên bao bì các bạn ạ.
Nếu bạn sở hữu một chiếc desktop thì hẳn sẽ công nhận một điều là số cổng kết nối USB trên đó rất là nhiều. Thậm chí, ngay cả những dàn máy tầm trung xuống đến phân khúc bình dân cũng được trang bị số lượng cổng USB phải nói là “vô vàn”, nhiều khi chả biết cắm gì vào cho hết. Nhưng liệu xài hết các cổng đó cùng 1 lúc liệu có phải là ý hay? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến tốc độ truy xuất dữ liệu hay không? Mời các bạn cùng Thạch Long đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.
USB chậm là vì có nhiều thiết bị cùng kết nối chung 1 bộ điều khiển
Các hãng sản xuất ổ cứng di động, bút nhớ USB thường hay quảng bá sản phẩm của họ có tốc độ cực kỳ nhanh. Thật ra thì điều này cũng không còn quá xa lạ và cũng không có gì khó hiểu cho lắm, do con số đó hầu hết sẽ là tốc độ tối đa của USB theo lý thuyết (mà khả năng cao là bạn sẽ chẳng thế nào đạt được trên thực tế). Ngoài ra, việc dùng nhiều cổng USB cùng một lúc cũng có thể khiến tốc độ bị giảm thêm đó nha.
Nguyên nhân là vì các cổng USB này đều được kết nối đến các chip điều khiển (controller) bên trong hệ thống, và 1 bộ điều khiển chỉ có thể kham nổi một lượng băng thông nhất định mà thôi. Giả sử bạn có 2 cổng USB 3.0 nằm ở phía trước thùng máy, và chúng được kết nối với 1 đầu cắm (header) trên bo mạch chủ vốn sử dụng 1 chip điều khiển. Bạn có thể đạt được tốc độ 5 Gbps tối đa của cổng USB 3.0 đó nếu như chỉ cắm đúng 1 bút nhớ USB vào cổng đó. Nhưng nếu bạn cắm 2 bút nhớ USB vào 2 cổng đó cùng 1 lúc thì cả 2 đều sẽ phải dùng chung băng thông 5 Gbps kia, tức là mỗi cổng trên lý thuyết chỉ có tối đa 2,5 Gbps mà thôi.
Mà trường hợp trên không chỉ áp dụng đối với cổng USB phía trước thùng máy đâu nhé. Thường thì các cổng USB nằm phía sau thùng PC vẫn phải đối mặt với vấn đề tương tự đó nha. Ít khi nào mà bạn bắt gặp được 1 cổng USB được nối với 1 chip điều khiển duy nhất. Vậy thì tại sao các hãng bo mạch chủ lại không trang bị thêm bộ điều khiển? Câu trả lời nằm ở cách mà người dùng chúng ta xài các cổng USB đó như thế nào các bạn ạ.
Các hãng bo mạch chủ không gắn thêm bộ điều khiển USB là vì thói quen sử dụng của người dùng
Cơ bản thì với một người dùng bình thường, bạn sẽ có 1 cổng để lâu lâu cắm bút nhớ USB hoặc ổ cứng rời, còn các cổng USB còn lại thì sẽ cắm bàn phím, chuột, tai nghe, tay cầm – những thứ không ngốn quá nhiều băng thông khi hoạt động. Thêm nữa, phần lớn người dùng phổ thông cũng ít khi nào truy xuất dữ liệu trên nhiều bút nhớ USB hay ổ cứng rời cùng 1 lúc, cho nên các hãng bo mạch chủ cũng không có lý do nào đủ thuyết phục để khiến họ phải gắn thêm chip điều khiển.
Các bo mạch chủ hiện nay được trang bị nhiều hơn 1 bộ điều khiển
Dù vậy, hầu hết bo mạch chủ hiện nay đều có nhiều hơn 1 chip điều khiển USB trên đó. Nếu bạn mở công cụ Device Manager trên Windows lên thì thường sẽ thấy nhiều thiết bị được ghi là USB Host Controller. Qua đó, bạn có thể thấy không phải cả chục cổng USB đều được nối với 1 bộ điều khiển duy nhất, mà là nó sẽ chia nhỏ ra cho nhiều bộ điều khiển khác nhau.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là 1 bộ điều khiển USB cũng có giới hạn băng thông của nó, cho nên nếu bạn đang làm tác vụ nặng (chẳng hạn như biên tập video và liên tục sao lưu các đoạn clip) thì tốt nhất không nên cắm nhiều USB vào 1 con chip điều khiển nhé. Để biết 1 bộ điều khiển USB đang được kết nối với các thiết bị nào thì cũng trong Device Manager, các bạn chọn View > Devices by connection; các mục phía bên dưới sẽ được sắp xếp lại theo từng kết nối tương ứng cho bạn dễ “điều tra” hơn.
Cách phân bố dòng điện của cổng USB cũng giống cách mà nó phân bố băng thông
Ngoài ra, cách USB phân bố dòng điện cũng giống như phân bố băng thông đó nha. Nếu bạn sạc hoặc cấp nguồn cho nhiều thiết bị bằng cổng USB thì mỗi thiết bị sẽ không thể nhận toàn bộ lượng điện năng nếu có nhiều thiết bị khác đang kết nối chung vào 1 bộ điều khiển đó. Ví dụ, quạt cắm vào cổng USB có thể quạt yếu hơn, đèn USB có thể sáng mờ hơn, vân vân.
Nếu bạn có nhiều thiết bị USB và muốn cắm xài cùng 1 lúc thì nhớ tính toán đến lượng dữ liệu mà chúng cần truyền tải nhé. Với lại, theo lý thuyết thì bạn có thể kết nối tới 127 thiết bị vào chung 1 bộ điều khiển, nhưng tốt nhất là… không nên làm thế đâu nhé.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Nguồn: Techquickie