1. Trang Chủ
  2. Tin Công Nghệ
  3. Tổng hợp các phiên bản logo Windows từ năm 1985 đến 2022

Tổng hợp các phiên bản logo Windows từ năm 1985 đến 2022

Mời các bạn cùng nhìn lại hành trình đổi mình của logo Windows nhé.

 

Trong hơn 37 năm qua, Microsoft đã sử dụng rất nhiều thiết kế khác nhau để tạo ra logo cho hệ điều hành Windows trứ danh. Trong khuôn khổ bài viết này, mời các bạn cùng GVN 360 nhìn lại logo của những phiên bản Windows chính để có một cái nhìn khái quát hơn về quá trình tiến hóa của nó nhé.

 

logo Windows

 

*Lưu ý: Bên cạnh những phiên bản logo chính thức, Microsoft còn có hàng tá phiên bản logo Windows nhỏ lẻ khác được dùng trên giấy báo, quảng cáo, phần mềm, hộp đựng đĩa, vân vân. Chính vì có quá nhiều phiên bản như vậy nên mỗi phần sẽ là những logo và ngôn ngữ thiết kế chủ đạo mà Microsoft đã dùng để vẽ ra logo Windows tại thời điểm đó.

 

The Tiled Window: 1985-1989

 

logo Windows

 

Ban đầu, Windows không có logo. Phần vỏ hộp đĩa, màn hình splash screen, và những nội dung quảng cáo cho Windows 1.0 (1985) và 2.0 (1987) thường sẽ dùng cụm từ “Microsoft Windows” được viết bằng font chữ đặc biệt, chứ không hề có logo nào bên cạnh cả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Microsoft có hé lộ một cái logo vào thời Windows 1.x và 2.x mà họ ít khi nào dùng tới. Nó có thiết kế 4 mảng không đồng đều, tượng trưng cho các kích thước cửa sổ khác nhau nằm kế nhau trong Windows 1.0.

 

Trong một bài blog vào năm 2012, Sam Moreau cho biết thiết kế này là logo Windows đầu tiên (original), chỉ là vào thời bấy giờ nó ít được đem ra xài mà thôi. Tuy nhiên, đây lại chính là nền tảng để tạo ra những logo Windows đình đám sau này.

 

The Stark Window: 1990-1991

 

 

Cũng giống như Windows 1.x và 2.x, Windows 3.0 (1990) phần lớn sử dụng logo theo kiểu chữ viết. Brad Silverberg – Phó chủ tịch của Microsoft thời bấy giờ phụ trách mảng Windows – cho biết với Windows 3.0, họ không hề có một logo Windows “chuẩn” nào cả. Mỗi nhóm marketing, nhóm bán hàng, nhóm sự kiện đều có 1 phiên bản riêng. Đôi lúc sẽ có logo được tái sử dụng, nhưng cơ bản là không có quy chuẩn nào cả.

 

Một vài hộp đĩa Windows thời này có in hình minh họa của một chiếc cửa sổ với hiệu ứng gradients nhằm cho người dùng biết là nó tương thích với Windows 3.0. Đây cũng là lần đầu tiên mà chúng ta được nhìn thấy logo Windows được thiết kế theo kiểu ẩn dụ cho cửa sổ của một ngôi nhà – 4 tấm kính nằm bên trong phần khung dày. Motif thiết kế này cũng dính liền với Windows cho đến tận ngày nay.

 

The Windows Flag: 1990-1993

 

 

Windows 3.1 đã tạo một luồng gió mới cho Microsoft vào năm 1992 bằng cách giới thiệu logo mới với màu sắc sặc sỡ, cũng được thiết kế theo motif ô cửa sổ nhưng biến hóa một chút để nhìn giống lá cờ đang bay phấp phới. Bốn màu đỏ, lục, lam, vàng sẽ nằm trong 4 ô cửa sổ, còn phần đuôi thì dần “tan biến” thành những ô vuông nhỏ.

 

Brad Silverberg chia sẻ rằng vào thời điểm ra mắt Windows 3.0, công ty bắt đầu nhận ra sự thiếu sót trong việc chuẩn hóa logo Windows. Thế nên họ đã tạo ra một cái logo mới và bắt buộc phải dùng nó khắp mọi nơi. Brad Silverberg đã chỉ đạo nhóm marketing tạo ra một cái logo mới. Nhóm này đã làm việc với một vài nhà thiết kế bên ngoài, sau đó đưa cho Brad xem những phiên bản cuối cùng và ông chính là người đã chọn lá cờ Windows trứ danh.

 

Microsoft tiếp tục sử dụng logo này với phiên bản Windows NT 3.1 ra mắt vào năm 1993.

 

The Flying Flag: 1994-2000

 

logo Windows

 

Vào năm 1994, các nhà thiết kế của Microsoft đã “làm mới” logo Windows 3.1 bằng cách xoay nghiêng nó theo chiều kim đồng hồ, từ đó tạo cảm giác chuyển động và bớt nhàm chán cho logo. Phiên bản logo mới này xuất hiện lần đầu trên Windows NT 3.5 vào năm 1994, ít lâu sau thì nó đổ bộ lên Windows 95, Windows NT 4.0 (1996), Windows CE (1996), Windows 98, Windows Me (2000), và Windows 2000 với nhiều biến thể khác nhau chút đỉnh.

 

Chẳng hạn, logo của Windows Me và Windows 2000 đã được thêm một vài cửa sổ hình vuông xung quanh lá cờ đang bay để tạo cảm giác mới mẻ hơn.

 

The Simple Flag: 2001-2011

 

logo Windows

 

Với phiên bản Windows XP vào năm 2001, Microsoft đã dẹp bỏ ý tưởng lá cờ tung bay qua 1 bên, tinh giản nó lại còn 4 mảng màu đơn giản đang lượn lờ trong gió. Bốn màu vẫn được giữ nguyên như cũ, nhưng phần viền dày màu đen đã bị lược bỏ. Đến phiên bản Windows Vista (2006), Microsoft đã bổ sung hiệu ứng tỏa sáng ngay giữa logo. Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp logo này nằm trong một cái “bóng bóng” sậm màu để nhân vật chính nổi bật hơn.

 

Windows 7 (2009) cũng tiếp nối truyền thống của phiên bản Vista. Riêng Windows Phone 7 (2010) thì đổi thành phiên bản logo hình lá cờ trắng bóc nằm trong một cái “bong bóng” hoặc ô vuông.

 

The Angled Window: 2012-2020

 

 

Đến lượt Windows 8 (2012), Microsoft đã quay về ô bắt đầu nhằm thiết kế một phiên bản logo Windows mới toanh. Lần này, họ bỏ luôn thiết kế theo kiểu lá cờ đang bay trước đây và biến tấu 4 ô màu nhìn giống như ô cửa sổ hồi trước, khác cái là nó chỉ còn 1 màu xanh dương và được đặt nằm nghiêng chứ không phẳng lì như hồi đó. Thiết kế này cũng làm nổi bật ngôn ngữ thiết kế theo kiểu Metro của giao diện trên Windows 8 – tức là dùng những ô vuông (tile) thay vì là icon.

 

Logo mới này còn được dùng cho Windows RT (2012), Windows Phone 8 (2012), một vài phiên bản của Windows Embedded Compact, Windows 8.1 (2013), và Windows 10 (2015). Tuy nhiên, nếu bạn chú ý thì logo của mỗi phiên bản Windows này sẽ khác biệt nhau chút ít ở phần góc nghiêng và kích thước các ô vuông đó nha.

 

The Grid Window: 2021-Hiện tại

 

logo Windows

 

Và bây giờ chúng ta đến với hiện tại cùng logo Windows 11 vốn được Microsoft giới thiệu vào năm 2021. Với phiên bản này, Microsoft đã không còn để nghiêng logo nữa và quyết định cho nó nằm phẳng trước mặt luôn. Logo cũng được tinh giản bằng cách ghép 4 ô vuông nhỏ màu xanh dương lại với nhau thành 1 hình vuông lớn. Thực chất, logo này được lấy ý tưởng từ logo Microsoft được hé lộ lần đầu vào năm 2012. Cho đến thời điểm viết bài này thì logo Microsoft vẫn có hình thù y như vậy, chỉ khác cái là nó được ghép từ 4 ô vuông màu đỏ, lục, lam, vàng giống như logo Windows truyền thống.

 

 

Trong một video quảng bá của Microsoft, Vincent Joris – quản lý thương hiệu của Windows – cho biết họ đã xem xét logo Microsoft và biến nó thành màu xanh dương, vì đây là màu mà người dùng thường nghĩ đến nhiều nhất khi nói về Windows.

 

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

 

 

Nguồn: HowToGeek

Đăng Ký Nhận Bản Tin

Đăng ký ngay để được cập nhật các chương trình khuyến mãi.